Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013


Tách cà phê trưa.
  
                                             Tác giả: Ngọc Minh

Hẹn mãi, rồi tôi cũng về chơi với anh, nhà thơ nơi Thành phố. Chẳng mấy khi gặp nhau, tôi rủ bằng được anh cùng thưởng thức cái nắng đồng bằng. Chắc anh cũng ngán ngẩm vì tôi dở hơi, đi hết bờ cát ven sông rồi đến các đình chùa, thành quoách cổ xưa, chiêm ngưỡng phong cảnh của mảnh đất thân yêu này.
Lang thang dưới nắng chói trang, trưa tháng sáu rát bỏng, mặt đường nhựa bốc lên ngột ngạt như nung. Nhìn vẻ mặt đỏ bừng, những giọt mồ hôi chảy dài trên trán, với cái nhìn như sốt ruột của anh. Biết anh đã mệt, vì nể bạn lâu ngày mới về chơi,  anh tỏ ra nhiệt tình “ không vấn đề” miễn tôi vui. Giữa trưa nắng lửa, không biết anh có còn cảm xúc để làm thơ nữa hay không. Còn tôi thích thú dạo khắp nơi, nhất là được đi bên anh người hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ.  
Dưới tán mấy cây bàng cánh lá xum xuê xanh tốt, đan xen phủ kín quán Cafe ven đường. Nếu không có biển trương ra ngoài chắc chẳng có ai biết, hoạ ra chỉ có người quen biết,  thân thuộc quán này mới biết đến mà thôi.
-         Vào làm tách Cafe đã anh nhỉ?
Tôi  vừa nêu ra ý kiến, anh đồng ý ngay. Quán Cafe vắng khách. Thấy chúng tôi dựng xe ngoài gốc cây, cô gái xinh đẹp mặt thoa phấn lớp phấn hồng, môi son tươi tắn, nhìn là biết kỹ năng trang điểm rất cầu kỳ công phu, trông cứ như vốn trời sinh ra đã đẹp như vậy. Em ra đón chào thân mật đưa chúng tôi vào, kéo ghế mời chúng tôi ngồi.
Quán cafe có gần chục chiếc bàn vuông nho nhỏ xinh xinh, kê gọn gàng thành hàng, những chiếc ghế mây nho nhỏ khiêm tốn nép sát mép bàn. Trên bàn chiếc lọ hoa bé xíu cắn một bông hồng nhựa duyên dáng. Mặt bàn in hoa trái đẹp mắt. Quán chẳng có ai, ngoài chúng tôi.  
Tôi gọi hai tách cafe đen và nói thêm: “Đậm đặc không gì cả”. Em: “ dạ” rất ngoan!  Và rất nhanh em mang ra hai cốc trà đá mời chúng tôi, rồi quay vào bê chiếc khay nhỏ với hai tách cafe như ý. 
Đôi cánh tay trần trắng nõn nà, những ngón tay dài thon nhỏ, móng tay sơn màu tím hồng điểm những chiếc hoa màu trắng bạc óng ánh. Giọng em ngọt như chim hót mời chào...mát cả lòng.
           Cơn nóng bức tan biến, chỉ còn ánh mắt, nụ cười, lời nói dịu dàng hiền thục nhẹ nhàng, đúng là giời sinh ra em để bán cafe.
Hương thơm dịu dàng từ em tỏa ra. Hương cafe  ngai ngái nồng nàn. Dưới bóng cây râm mát kín đáo, làm cho lòng người cảm giác đắm chìm trong  cảnh sắc mát mẻ yên ổn như bước vào giấc mộng. Giọt cafe chậm chạp tí tách. Nhâm nhi từng ngụm nhỏ cafe đắng ngọt tận trong vòm họng, mùi hương thanh khiết, phảng phất, tôi như đang sống giữa Tây Nguyên lộng gió tận hưởng hương vị cafe Cao nguyên. Không biết do tay em pha hay tôi có cảm tình với  em mà cảm thấy cafe ngon đến thế.  Em kéo ghế ngồi gần chúng tôi. Ngắm em tôi gợi chuyện:
-         Em xinh đẹp dịu dàng thế này chắc hạnh phúc lắm nhỉ?
Như chạm phải chỗ đau, em nói như hát:
-         Hồng nhan phận bạc anh ạ.
-         Liệu anh có thể tin được không?
Như được cởi lòng, em kể cho chúng tôi nghe chuyện về công việc, về mối tình bất hạnh: Vừa học hết phổ thông, em lấy chồng năm mười tám tuổi. Vợ chồng không có việc làm ở nhà buôn bán rau quả. Chồng em hiền lành, nghe vợ  vào các xã ven thị mua rau quả mang về cho vợ bán. Tiền nào của ấy đưa về như con thoi. Vợ chồng biết bảo nhau, buôn bán đắt hàng, chẳng mấy năm gia đình khấm khá. Em mua đất xây nhà, chính là ngôi nhà hai tầng này.
Em chuyển nghề, không buôn bán hoa quả nữa, mà mở quán cafe. Quán đông khách, đắt hàng, một mình chẳng hết việc, phải thuê người làm. Lúc đầu chỉ một chủ, một tớ. Quán đông không xoay sở kịp, lại thuê thêm hai cô nữa. Bán cafe chỉ đông vào buổi tối, ban ngày các cô hộ hành cơm nước. Chồng em chẳng phải làm gì, cơm bưng nước rót, lại sinh ra đề đóm, vợ nói chẳng nghe. Thế rồi  “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, những lúc em vắng nhà chồng em đi lại với cô giúp việc. Em về bắt gặp,  anh ta công khai luôn, thế là ra tòa bỏ nhau. Anh ta lấy luôn cô  giúp việc ấy, hai người đưa nhau vào Nam sinh sống. Em nuôi con, thằng bé học lớp 4 ở với ông bà ngoại để tiện đi học. Trưa em trông quán, hai cô giúp việc đang ngủ để tối bán hàng. 
Chẳng biết em nói mấy câu cuối ấy có ý nghĩa gì, tôi  vô tư khen em:
-         Thế mà nhìn em anh nghĩ, em chưa có gia đình.
-         Anh nói quá ấy chứ, em đã ngoài ba mươi tuổi rồi.
Tôi quên có anh bạn đi cùng, đang ngồi bên kia bàn. Nhìn sang ... Ơ kìa, anh cũng như tôi đang chăm chú nuốt từng lời ngọt ngào của em với thái độ cảm thông chia sẻ.
          Chiếc xe ô tô bốn chỗ màu tro lạnh tiến vào sân.  Em đứng dậy ra mời khách, cũng lời chào ngọt ngào nghe thật bình yên ấm áp.  Hai người đàn ông bước vào quán. Trông cử chỉ dáng đi, lời nói, cách nhìn chúng tôi của họ tôi “đoán” họ là người làm ra của và  biết tiêu tiền. Người đàn ông có tuổi to cao, da mặt sần sùi, mái tóc chải mượt, quần áo gọn gàng bảnh bao, phản phất mùi “ X-Men - Đàn ông đích thực”. Ông ta có giọng nói oang oang, làm cho cả quán vốn im lìm như giật mình tỉnh dậy:
-         Cho anh như mọi hôm nhé!
Em lại  “dạ”  nhẹ nhàng, nhanh nhẹn bưng ra một khay hai tách  sữa cafe “màu nâu nhạt”. Người đàn ông to cao ngồi tựa lưng vào chiếc ghế mây nhỏ con ngả người ra sau, chân choãi  chữ V hướng ra phía trước như ôm cả cái bàn bé nhỏ, víu hai tay vào thành ghế con con,  trông kiểu ngồi đã toát lên vẻ sảng khoái chẳng cần biết có ai ở đó hay không. Ông ta hỏi em:
-         Dạo này đã kiếm được chồng chưa?
Em cười rất tươi với đôi môi đỏ mọng lộ hàm răng trắng muốt:
- Bồ thì đầy, thời buổi này kiếm bồ thì dễ. Lấy chồng thì chẳng có thằng dở hơi nào để lấy làm chồng.
Tôi giật mình, em mặn mà dễ thương như thế khi nói chuyện với chúng tôi, sao giờ em sao chua chát thế, khác hẳn những gì tôi cảm nhận về em. Hình như có hai ông khách mới vào, em đã quên còn có chúng tôi ở đó. Tôi quay ra không giám nhìn em.
Ông ta lại nói:
- Em khôn ngoan úp sọt thằng lắm tiền, nhiều của ấy,  thằng dở hơi thì lấy làm gì?
Em lạnh băng:
- Em xin thề với đời, em chẳng tin thằng bỏ mẹ nào. Có đến 100 thằng đàn ông khôn ngoan, tiền nhiều của lắm, thì cả 100 thằng có bồ. 100 thằng dở hơi yêu vợ thì cả 100 thằng chẳng để vợ yên. Anh bảo em lấy ai?
 Ông ta cười ha ha...như bắt được của:
-  Thằng đàn ông khôn ngoan nào mà không có bồ thì thuộc diện “ của vất đi” kể làm gì? Đàn ông nhìn thấy gái “non”, đẹp mà không động tĩnh gì thì coi như đã về chầu tiên tổ. Anh nghỉ hưu gần chục năm nay, ngày nào không gần các bé em xinh đẹp, thì ngày ấy đầm ra ngay.
Em nguýt dài:
-  Lên lão như anh còn chẳng thèm nhìn gái nạ dòng như em, thì còn thằng điên nào ngó.
Ông ta cao giọng:
- Thằng kém tài, xấu giai, nghèo có đến chắc gì được uống tách cafe nhạt của mỹ nhân. Còn loại như các anh đây, thì “ Hoa thơm bướm lượn” cho vui rồi phắn.
Nghe thấy ông ta nói  thẳng như đường đạn, tôi thấy ngường ngượng, vậy mà em vẫn bình thản như không có chuyện gì.
-  Kẻ nghèo hèn xấu trai, trong mơ em cũng chưa gặp đấy anh ạ.
Ông ta vừa như nói vừa như hát:
-  Em ơi! Sáu mươi năm cuộc đời, sống ở trên đời dễ được mấy mươi mà phải ép mình cho phí.
Nói rồi ông ta đứng dậy đi thẳng vào trong, rất tự nhiên như chủ nhà. Em theo chân ra, khoảng hai phút sau cả hai quay vào. Ông bạn đi cùng, chăm chú nhìn em từ đầu đến chân, không nói gì có vẻ rất thận trọng.
Em hỏi ông ta:
- Cái đứa ngày em mới mở quán,  anh đưa sang đây, giờ nó đi đâu rồi, lâu không thấy anh đưa sang?.
Ông cười sảng khoái:
-  Anh nuôi nó từ lúc nó học lớp 11, cho ăn học hết Đại học, bỏ ra  năm chục xin việc cho nó đi làm,  mua cho một con xe  tay ga. Đầu tư cho một căn hộ mở cửa hàng ở ngã ba đường Ninh Hà, nói  đến chỗ ấy là  em biết rồi còn gì?! Thằng Hòa ở cơ quan bà xã anh, thấy nó xinh lại có của,  yêu nó. Nó không chịu lấy, anh bảo nó: lấy chồng đi, có gì anh giúp. Anh dứt khoát lắm nó mới chịu. Hôm chúng nó cưới anh sang cho mấy chục gọi là quà mừng đám cưới, chấm hết.
Em cười lúng liếng:
- Sử dụng bằng ấy năm bỏ ra như thế đáng gì. À con bé hôm vừa rồi anh đưa sang nhà nó ở đâu?.
Ông ta cười mãn nguyện:
- Nó ở huyện Nguyên Yên mới vào năm thứ nhất  trường kinh tế tỉnh. Anh đang nuôi nó, học xong ra trường,  xin việc cho đi làm là chấm xuống dòng.
           Em lại hỏi:
-         Thế bố mẹ nó biết không?
Ông cười ha hả :
-  Bố mẹ nó biết là có ông bố nuôi ở thành phố, nuôi nó ăn  ở,  đi học, có xe đẹp dong chơi.  Đi học về nhà học bài, chẳng phải làm gì. Sướng như công chúa còn gì phải nghĩ!
           Tôi và anh bạn tôi ngồi lơ đãng uống Cafe, lắng nghe câu chuyện của ông khách với cô chủ quán, không nhìn họ, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Ngoài trời nắng chang chang, mắt nảy đom đóm, trong sân những giọt nắng lọt qua kẽ lá bàng rơi xuống sân những chấm nắng nhỏ xíu tròn tròn, không một ngọn gió đi qua. Câu chuyện hai người đàn ông với em ở bàn bên cạnh, mà cảm thấy rùng mình ghê sợ.
           Hình như anh bạn tôi nghe không chịu nổi, nói nhỏ: “ Mình về đi”. Tôi cũng thì thầm: “ Mấy khi được nghe nhân vật tự chuyện. Từ từ, còn sớm mới chán”.
Anh miễn cưỡng ngồi im, nhâm nhi những ngụm cafe đắng ngắt. Còn tôi,  tháo lắp máy ảnh đưa lên chụp linh tinh, chụp em, kín đáo ghi lại hình ảnh của con người “đáng kính nể” này.
           Không biết hai ông khách đã chuyển câu chuyện sang chuyên mục khác từ khi  nào. Ông ta đang say sưa kể chuyện những chuyến đi công tác,  vào chơi ở sòng bạc Hồng Công, rồi đến Thái Lan. Nghe như ông là một nhân vật quan trọng, hay được đi công tác ở nước ngoài như đi chợ...Rồi ông khen gái Việt Nam mặn mà và thực tế. Còn gái nước ngoài  hình thức đẹp, bao được “nó”  phải có bạc tỷ ...
Ông bạn đi cùng ông quay sang bắt chuyện với tôi:
-         Chú là nhà báo à?
Tôi cũng văn vở dở hơi một chút:
-         Bác thấy tôi giống nhà báo lắm à? Sướng nhỉ!
- Anh thấy chú có máy ảnh lại có vẻ thư giãn, nên anh đoán thế, chú làm nghề gì.
Ông hỏi tôi cũng đà đưa:
- Bác hỏi khó tôi rồi, tôi có làm việc gì ra việc gì đâu, dân lang thang quán xá, nhặt lá đá ống bơ... Thấy  thằng bạn hiền có máy ảnh, tôi mượn đi chơi, nào đã biết chụp chiếc gì.
Chẳng cần ông nói thêm tôi hỏi luôn: “ Bác không phải người ở đây?”. Ông nói là ở Hà nội lên thành phố núi chơi với anh bạn chí cốt, tức là ông bạn đang say chuyện với em.
Ông lại nói:
- Nghe anh Hoàng nói cả thành phố chỉ có quán cafe này ngon nhất, anh ấy rủ anh sang uống cafe trưa.
Vậy là “ông bạn đáng kính” kia tên là Hoàng. Tôi đưa mắt nháy cô chủ quán, em cũng đưa ánh mắt đồng tình sang tôi miệng cười rất tươi, góp chuyện:
- Tôi tình cờ qua đây, thấy cô em xinh đẹp, nhảy dù vào ngắm, thưởng thức cafe. 
Nghe tôi nói vậy, ông Hoàng cười to, quay hẳn mặt sang phía tôi,  rồi cao giọng đọc mấy câu. Tôi chẳng biết thơ của ông hay của ai đại loại là: “Kẻ dốt khoe chữ, người ngu học đòi”. Tôi thoáng nghĩ: gây sự đây! Kệ, coi như không biết, mà lại khen ông có tài thơ họa hay.  Được thể ông đọc thơ Đường, chẳng ra vần ra điệu gì, tôi chẳng biết mấy câu thơ ấy của ai nghe lạ hoắc. Ông bảo đó là thơ Đường ở Trung Quốc, ừ thì tôi cũng biết vậy. Tôi khen:
- Bác tài thật, thuộc thơ của các bậc vĩ nhân cổ xưa ở tận Trung Quốc, tôi cứ tưởng  thơ Đường, thơ gì gì thì cũng như nhau tuốt.
Ông ta bảo:
- Cậu không biết đấy chứ, thơ Đường có bảy chữ, tám câu, thơ Lục bát, câu trên lục là sáu, câu dưới bát là tám. Đó là những kiểu thơ uyên bác, người có trình độ mới làm được.
À ra vậy, cứ trên sau dưới tám là thơ Lục bát. Cứ bảy chữ tám câu là thơ Đường. Ông ta cao hứng đọc thơ Hàm Mạc Tử. Đọc xong ông phân tích: “ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Đây là câu thơ đắt giá nhất của Hàm Mạc Tử... Tôi dỏng tai nghe ông đọc, ông bình... Để khỏi lộ chân tướng tôi cứ đá gà, đá vịt khen ông được thể ông dốc bầu “nghệ sỹ”. Thế là ông ta cùng ông bạn đọc bình liên khúc, còn ba người lặng im nghe là  anh bạn tôi,  em và tôi.
Ông Hoàng nói xong, đột nhiên đứng dậy nhìn em giọng dứt khoát: “ Anh về”, rồi đặt tờ 100 nghìn đồng lên mặt bàn. Em nhanh nhẹn trả lại 50 nghìn đồng. Ông mở ví cho vào kéo séc lại rất cẩm thận. Chẳng thèm chào chúng tôi lấy nửa lời, đàng hoàng ra khỏi quán lên xe đi thẳng. Chiếc xe lao đi giữa nắng trưa rát bỏng.
Quán cafe lại trở lại dịu dàng, mát mẻ như lúc chúng tôi đến.
          Khi ngoài đường im lặng dưới nắng hè oi ả. Thỉnh thoảng có một chiếc lá vàng rơi theo gió. Anh bạn nhà thơ có tiếng  trong làng ở tỉnh của tôi, giờ mới lên tiếng:
- Anh chịu chú đấy! Nghe chuyện đời của mấy lão dở hơi hết mấy tiếng đồng hồ.
Tôi cười:
-         Chuyện độc đấy chứ.
Chúng tôi ra về, câu chuyện của ông khách trong quán cafe làm cho tôi bứt rứt khó tả. Có những lúc lang thang thế này, mới biết đời sống xã hội. Chứ ngồi trong phòng làm việc suốt ngày, đúng là “như rắn chui ống”  chẳng biết gì đến thế giới quanh ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét