Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Truyện ngắn Nguyễn Thị Minh Lý

 

CHUYỆN TÌNH TRÊN ĐỈNH SỈN KHÂU

                                                  

Dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ, già nua của bà Lẻng. Bà ôm chặt thằng Min vào lòng, như giữ lấy không cho ai mang nó đi. Giọng bà nghèn nghẹn:

- Min là con của bà chứ, không được cho người khác đâu...

Pằng nấu rượu trong bếp, nghe rõ tiếng mẹ chồng nựng cháu ngoài sàn, nước mắt chảy dài. Từ hôm đưa nó về, bà không rời nó, bà sợ sang tay Pằng là lại mang nó đi cho. Mắt cay xè, giọt nước mắt đắng chát trào ra, quá khứ bỗng dội về.

Ngày ấy, Pằng yêu Páo cùng bản. Một tuần mới có một phiên chợ huyện, người xuống chợ mua bán, người xuống chợ tìm gặp bạn bè, thanh niên hẹn hò tìm người thương. Páo hẹn Pằng xuống chợ, vừa đến đầu chợ Pằng đã thấy Páo đứng đợi, chạy đến vui mừng nắm tay, dắt Pằng đi lòng vòng quanh chợ. Gặp mấy anh bạn của Páo ở Chúng Chải họ vào quán thắng cố uống rượu.

Mặt trời ngả bóng, chợ phiên đông đúc, thưa dần cuộc rượu vui gặp bạn mới tàn. Men rượu nồng đã ngấm, mặt ai cũng đỏ bừng, nói cười vui vẻ, họ rủ anh Páo về nhà họ chơi. Vui bạn, Páo bảo: “ Pằng về trước cùng các bạn gái, anh sang xã bạn chơi.”

Nói rồi anh Páo theo bạn lên đường, không để ý đến tâm trạng của Pằng.

Nắng nhạt nhòa chống chếnh, đang vui, cái buồn như đám mây che khuất mặt trời, đi bên bạn giữa chợ đông vui, Pằng như bị bỏ rơi giữa chốn không người. Không muốn cho Páo đi, Pằng không dám nói, đôi mắt buồn xa xăm, nụ cười gượng gạo, chỉ mong Páo hiểu được lòng Pằng, mà quay lại, cùng về.

Trời chiều, chợ tan, trên các ngả đường từng đoàn người đi chợ về, lưng đeo quẩy tấu nặng trĩu, chuyện trò râm ran. Trai gái kéo nhau cười đùa vui vẻ, Pằng thấy chạnh lòng, chẳng nói chuyện với ai, bước đi lầm lũi theo bạn về bản.

Những tia nắng cuối cùng đã vượt qua ngọn núi. Dòng suối Nắm Dẩn chiều thu, trong xanh thăm thẳm dưới khe sâu. Chiếc cầu Na Lan treo leo trên vách đá, ghép bằng mấy cây sa mộc, ghim vào nhau bằng đinh và dây thép. Pằng đi trên cầu, quay lại, nhìn lên đỉnh dốc, xem người yêu có đổi ý quay về không, trượt chân ngã nhào xuống suối. Mấy cô bạn đi cùng, chỉ biết đng đấy gọi người đến cứu, không ai dám lội xuống cứu bạn.

Anh Khún đi chợ về, thấy thế vội lao xuống, lặn hụp hồi lâu vớt Pằng lên. Pằng bất tỉnh, người mềm nhũn, tím nhợt. Anh Khún vội cầm hai chân dốc ngược lên, chạy dọc bãi cát, nước từng trong miệng Pằng ộc ra. Anh cởi nhanh nút áo ngực, dùng miệng mút mũi, hà hơi thổi ngạt, ấm tay vào ngực nhịp nhàng hô hấp trợ thở. Đầu Pằng động đậy, rồi hắt xì hơi mấy cái, nhẹ nhàng thở.

- Sống rồi!

Anh Khún reo lên, anh cố cứu chữa nạn nhân, chẳng để cô gái đang mặc váy ngắn, khi dốc ngược lên, đôi chân trần lộ ra, các bạn đi cùng lấy tay che mặt. Lúc cởi nút áo, khuôn ngực tròn căng thiếu nữ tím tái, nhợt nhạt, khi thở được, dần chuyển sang trắng hồng, da dẻ tươi tắn trở lại. Cài lại nút áo cho cô, anh ngồi xuống đỡ đầu tựa vào ngực anh để cho cô dễ thở. Hỏi mấy cô gái đi cùng, anh mới biết, cô gái anh cứu tên là Pằng.

Nhịp thở đều, mỗi lúc một sâu hơn, Pằng mở mắt, ngơ ngác nhìn quanh, rồi nhắm mắt lại, đã tỉnh, nhưng còn mệt lắm. Anh Nghĩ, cô ấy không thể tự về nhà được. Bế Pằng lên ngựa của anh, cùng các bạn đưa về nhà.

Màn đêm buông dần, vầng trăng đầu tháng lơ lửng trên bầu trời trong, nhấp nháy những ngôi sao thưa. Trên núi, ánh điện lấp lánh của Bản làng hắt lên như những chùm sao sa xen lẫn vào bầu trời. Nhà Pằng, ngôi nhà trình tường rộng rãi, sạch sẽ trên đỉnh Sỉn Khâu.

Bạn gái đi cùng kể cho bố mẹ Pằng nghe chuyện cô bị rơi xuống suối được anh này vớt lên, cứu chữa như thế nào. Nghe xong bố mẹ Pằng cám ơn anh không sợ nguy hiểm cứu sống con gái ông, không ngại đường xa đưa con ông về nhà. Biết tin dân bản thắp đuốc đến hỏi thăm, ai cũng cảm phục quý mến anh.

Nhìn bộ quần dân tộc Nùng anh mặc, bố Pằng nói với anh bằng tiếng Nùng chưa sõi nghe câu được câu chăng. CChô em của bố Pằng làm giáo viên điểm trường thôn, nói tiếng phổ thông với anh. Lúc ấy mọi người mới biết anh tên là Cháng Seo Khún làm Y sỹ ở trạm y tế xã anh.

Bố mẹ Pằng mời anh Khún ở lại ăn cơm, sau bữa cơm bố hỏi:

-  Anh Khún có vợ chưa?

Anh Khún trả lời:

-  Cháu chưa có vợ.

Bố mẹ Pằng biết, cô với Páo yêu nhau, đã nhiều lần nói với Pằng:“ Thằng Páo hay uống rượu say, không chăm làm việc, hay đi chơi”. Bố mẹ Pằng không thích Páo.

Bố Pằng nói với anh Khún:

- Cám ơn anh đã cứu con gái tôi, anh phải lấy nó làm vợ thôi.

Anh Khún lúng túng, không hiểu vì sao bố cô Pằng lại nói thế. CChô tiếp lời giải thích, ngắn gọn:

- Anh đã nhìn thấy của nó, anh đã cầm vào ngực nó, nhiều người biết rồi, anh phải lấy nó thôi.

Anh cố giải thích:

- Trách nhiệm của thầy thuốc gặp người bị nạn, cháu phải cứu chữa, không phải chỉ riêng em Pằng, ai bị đuối nước, cũng phải làm như thế mới cứu sống được.

Mặc dù vậy, gia đình Pằng vẫn một mực giao cô cho anh, phải lấy về làm vợ. Anh nói về hoàn cảnh gia đình nghèo khó, lại khác dân tộc, phong tục tập quán khác nhau, ngôn ngữ bất đồng sau này cô ấy khổ. Bố Pằng nói:

- Sướng khổ cũng phải chịu thôi, trời đã cho nó thế rồi.

Nhà anh nghèo, có vài thửa ruộng bậc thang, ba bốn đám nương trồng khoai, trồng sắn, xa nguồn nước không đào được ruộng. Mỗi năm thiếu ăn đến ba bốn tháng. Khi được Nhà nước đầu tư làm mương đưa nước về, gia đình đào thêm ruộng, nhà mới đủ cơm ăn. Nhà nghèo phong tục cưới vợ của dân tộc Nùng phải có trâu, từ lúc ăn hỏi đế lúc cưới cũng phải có ba con lợn tạ, nào là gạo, rượu, gà, tiền bạc, nhiều thứ khác nữa. Mẹ anh thường phàn nàn: “Nhà nghèo muốn có con gái gả bán lấy của, để lấy vợ cho con trai, càng đẻ, lại chỉ có con trai, khổ quá!”.

Nhà anh có bốn anh em trai, ai cũng cao ráo khỏe mạnh, chăm làm. Thằng em thứ hai và thằng út được người yêu thương, cho gia đình sang hỏi về làm chồng ở rể. Thằng thứ ba bố mẹ vay mượn lấy vợ cho nó, có con ra ở riêng tự làm ăn.

Còn anh, học hết cấp II, Trung tâm Y tế huyện mở lớp y tá thôn bản, anh xin đi, học xong được vào làm ở Trạm Y tế. Làm việc có trách nhiệm tận tình, Phòng y tế huyện cho anh đi học trường Y của tỉnh. Ra trường, có bằng Y sỹ được phân công về Trạm Y tế làm việc. Gần nhà, tiện cho anh chăm sóc bố mẹ già. Học hành suốt, nhà nghèo, đã hai bảy tuổi anh vẫn chưa lấy được vợ.

Pằng đã khỏe, ngồi trong buồng cùng bạn. Nghe bố nói cho anh Khún lấy làm vợ, mới ngó qua cửa sổ nhìn ra ngoài. Bên ánh lửa bập bùng, củi gỗ Sa Mu sáng rực, anh Khún hồng hào, to cao khỏe mạnh, nói chuyện từ tốn. Pằng lại nghĩ đến anh Páo.

Đêm trăng sáng, nghe tiếng đàn môi da diết gọi, Pằng không cầm được lòng, trốn ra núi chè Shan tuyết sau nhà, gặp Páo nói chuyện. Páo hẹn xuống chợ phiên, nhờ bạn kéo Pằng về làm vợ.

Từ hôm ấy Pằng bồn chồn khắc khoải, đêm đêm thao thức mong chờ ngày chợ đến. Hẹn mấy bạn gái đi cùng, để Páo rủ bạn trai kéo Pằng, thì có các bạn gái của cô tranh giành với họ.

Tối thứ bảy Pằng không ngủ được. Con gà vừa gáy, đã đi gọi bạn Súa, bạn Dếnh và mấy người bạn gái xuống chợ. Gần đến chợ Páo đã đón, nắm bàn tay nhỏ nhắn mềm mại của Pằng. Cảm giác ấm áp hạnh phúc thân thương, làm đôi má Pằng bỗng ửng hồng. Pằng như người say rượu, lâng lâng nhẹ bước theo Páo dắt vào chợ.

Pằng đã mong cuối buổi chợ Páo sẽ cầm tay như thế kéo về. Vậy mà khi gặp bạn, Páo lại bỏ Pằng đi chơi với bạn. Vì Páo mà Pằng bị ngã xuống suối, từ chiều đến giờ chắc Páo đã biết tin, sao không thấy sang thăm. Mệt mỏi, buồn giận Páo, đôi tai của Pằng để ra ngoài cửa ngóng tiếng Páo nói, tiếng bước chân Páo vào nhà. Pằng trách Páo vui bạn không nghĩ cho mình. Cũng may được anh Khún cứu, nếu không Pằng đã làm con ma suối rồi.

Pằng nghĩ anh Khún cứu mình, nhìn thấy hết rồi, phải lấy anh ấy thôi. Páo sẽ không chịu được người khác nhìn thấy vợ mình. Lấy anh Khún, Páo sẽ không trách vì việc sảy ra Pằng không muốn thế. Bố mẹ đã nói với anh Khún rồi, không lấy Páo được nữa. Páo không thương Pằng, nếu thương đã chạy đến rồi. Pằng chỉ muốn khóc thôi.

Hôm nay Pằng mới biết anh Khún, mà đã phải lấy làm chồng rồi.

Được bạn mời uống rượu, Páo rất vui, tự hào như khoe với Pằng và các bạn, mình có nhiều bạn bè ở bản xa. Bát thắng cố dê nóng hổi bốc khói nghi ngút, chấm với nước muối ớt giã hạt tiêu rừng, thảo quả thơm ngon vơi lại đầy, rượu cạn lại rót. Các bạn Páo mời rượu nhiệt tình, ai cũng vui vẻ chếnh choáng say. Mấy anh bạn của Páo níu kéo, sang nhà họ chơi, đến Chúng Chải gặp Mỷ con ông Trưởng bản, nói chuyện với nhau. Páo nhớ ra việc kéo vợ đã nói với bố mẹ rồi, Vui bạn, tỏ ra mình có uy lực Páo nhờ bạn kéo cô Mỷ về nhà.

Páo nghe người nhà nói chuyện Pằng bị ngã xuống suối, được anh Khún cán bộ y tế xã Coóc Riếu cứu đưa về nhà. Páo không dám đi thăm, sợ các bạn biết mình đã có người yêu, hơn nữa sợ Mỷ mới về đến nhà buồn. Páo không đến hỏi thăm mà còn cho thế là may, không phải nói với Pằng những lời khó nói nữa.

Anh Khún bỗng nhiên phải lấy vợ, với anh quá bất ngờ, anh chưa biết phải làm thế nào, anh nói với bố mẹ Pằng:

 - Hai bác cho cháu lấy em Pằng, cháu cám ơn gia đình. Cháu về nói chuyện với bố mẹ cháu, rồi cháu sang thưa chuyện với bác sau. Gia đình cháu nghèo, cô Pằng lấy cháu sẽ vất vả, khổ lắm.

Rồi anh xin phép về. BPằng dặn:

- Anh về nói chuyện với bố mẹ, sang đón Pằng về sớm, để dân bản khỏi nói chuyện nhiều về nó.

  Đêm khuya, con đường mòn quanh chân núi vắng vẻ, không một bóng người, tiếng đêm, tiếng xạc xào của lá rừng, tiếng chân ngựa đều đều. Ngồi trên lưng ngựa anh Khún nghĩ lại những chuyện đã xảy ra. Trong lòng thấy vui đã cứu được Pằng sống. Gặp người bị nạn phải cứu, dùng thủ thuật cứu chữa, giành giật sự sống cho họ  là trách nhiệm. Vậy mà gia đình bác ấy lại bắt phải lấy Pằng, mình chưa biết gì về cô ấy. Nhớ nét mặt dịu hiền, làn da trắng hồng của cô gái Mông xinh đẹp, ở cách xa mười mấy cây số. Gia đình Pằng quý mến, không phân biệt dân tộc, không quan niệm giàu nghèo, một mực gả con gái yêu cho mình, hay đó là số phận.

Như có gì đó thôi thúc, anh muốn về nhà ngay. Về đến đã hơn hai giờ sáng, dù không phải là phiên trực, với thói quen đưa chân anh về Trạm y tế. Mọi người ngủ say, phòng bệnh không có bệnh nhân nào còn thức, anh yên tâm về nhà.

Vừa đến chân cầu thang đã nghe tiếng mẹ:

- Con về muộn thế?.

Anh “ Vâng” rồi lên nhà gọi bố dậy nói chuyện. Anh kể cho bố mẹ nghe chuyện cứu cô gái Mông tên là Pằng ở Sỉn Khâu, gia đình bắt phải lấy cô ấy. Nghe xong bố anh bảo:

- Đạo lý dân tộc là thế, con phải lấy nó rồi. Nhà mình nghèo có chịu không?

Mẹ anh lại hỏi về lễ cưới xin của dân tộc Mông như thế nào, nhà mình có lo được hay không? Anh nói:

- Bố mẹ đồng ý cho con lấy vợ, cưới xin của người Mông không nhiều như mình dâu, mọi việc con tự lo, con làm cán bộ có lương rồi.

Không để gia đình Pằng chờ lâu, ba ngày sau anh Khún cùng chú Xèng và mấy anh em đại diện bố mẹ mang đôi gà thiến, rượu, gạo nếp, gạo tẻ sang Sỉn Khâu hỏi vợ.

Bố mẹ Pằng phấn khởi gọi anh em về đông đủ. Lễ ăn hỏi diễn ra thuận lợi vui vẻ. Bác Sì bác ruột của Pằng, ngồi trầm ngâm, bấm đốt ngón tay rồi báo:

- Hôm nay là ngày tốt, cho Pằng về bên ấy chơi.

Bố mẹ Pằng muốn để cho con tự quyết định, trước khi cưới. Cho Pằng sang nhà anh Khún chơi vài ngày xem cuộc sống bên nhà chồng, có ở được không, khi Pằng đồng ý thì sẽ tiến hành hôn lễ.

Gần tháng sau, đám cưới được tổ chức, có đủ sắc màu của hai dân tộc Nùng và dân tộc Mông mọi người bên nhau vui vẻ, chúc mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ.

Dân bản ai cũng khen cô dâu người Mông xinh đẹp, chăm chỉ chịu khó, việc gì cũng biết làm, chăm nuôi lợn gà mau lớn, trồng rau, làm nương làm ruộng, mùa nào thứ ấy, nhà cửa ấm áp sạch sẽ gọn gàng. Kinh tế gia đình mỗi năm khá dần lên.

Pằng sinh cho anh Khún một cậu con trai khôi ngô đã vào học lớp hai và cô con gái lên hai khỏe mạnh xinh đẹp, bố mẹ anh thương con dâu làm việc vất vả, bà yêu thương chăm sóc cháu, giúp con dâu nấu cơm, chăn lợn, chăn gà. Ông chăn trâu bò, cắt cỏ nuôi cá. Những lúc mùa vụ rỗi rãi mẹ chồng dạy Pằng ngâm chàm nhuộn vải, cắt khâu áo váy dân tộc Nùng, trong bản ai cũng khen vợ anh Khún khéo tay thêu  những đường nét, hoa văn trên địu, trên áo đẹp.

Từ ngày về làm dâu Pằng thương quý, tôn trọng bố mẹ chồng, chưa bao giờ bố mẹ anh phải phiền lòng. Mọi công việc trong nhà, ngoài ruộng, trên nương bố mẹ đều giao cho vợ chồng Pằng quyết định cả. Thóc gạo, ngô khoai, con lợn, con , mớ rau không dùng hết, mẹ chồng sắp vào pà cho Pằng mang xuống chợ bán. Tiền nong vợ chồng quản lí chi tiêu, gia đình hòa thuận hạnh phúc.

Cũng có lúc Pằng thấy buồn, chồng đi làm, khoác trên mình bộ áo Blu trắng toát không một vết bụi, trông nhàn nhã thảnh thơi. Còn Pằng mặc bộ áo váy Nùng đen từ đầu đến chân, bận rộn suốt ngày chẳng mấy lúc được rảnh rang. Lúc mới về nhà chồng, nhìn thấy anh bảnh bao, sạch sẽ Pằng thấy vui, tự hào về anh. Nhưng nhìn lại Pằng thấy chồng với mình khác biệt nhiều quá. Anh đi làm cả ngày, buổi trưa về ăn cơm, tối về nhà ngủ, một tuần có mấy ngày phải trực đêm. Những lúc lên nương một mình thui thủi, nhìn thấy vợ chồng người ta đi đâu cũng có nhau Pằng cũng mủi lòng.

Anh cũng biết thế, nên ngoài giờ làm việc, tranh thủ cày bừa giúp vợ. Công việc quanh năm suốt tháng là vậy đôi khi Pằng cảm thấy mình đơn độc lẻ loi.

Phiên chợ huyện cuối năm đông đúc, người đi sắm tết, người xuống chơi chợ. Trên bản Mông người ta mang xuống chợ bán từng bó cành đào chúm chím nụ hoa. Nhng gùi lá dong trĩu nặng trên vai cô gái Tày. Nụ cười tươi rói của cô gái Nùng bên những bó mía xương gà cây to tròn vàng óng, mời chào khách mua làm cây gậy bên bàn thờ tổ tiên. Hàng tết bày la liệt dọc đường phố huyện, bánh mứt kẹo, đường phên, cả những tờ tranh tết sắc màu rực rỡ. Mọi người gặp nhau ai cũng phấn khởi vui mừng, kẻ buôn, người bán tấp lập, không khí phố huyện đã vào xuân.

Anh Páo gặp Pằng sau nhiều năm, trông vẫn gọn gàng xinh đẹp, đôi mắt sáng lên niềm vui khi gặp Páo. Hai người ngồi dưới gốc cây Pay già cành lá xum xuê tỏa bóng, như che bớt cái nắng dịu dàng của ngày đang dần chuyển tiết sang xuân, kể cho nhau nghe chuyện ngày xưa cho đến chuyện hiện tại của gia đình.

Với nét mặt buồn, đôi mắt lúc nào cũng nhìn xuống đất, giọng nói nhỏ, tỏ ra ân hận nuối tiếc anh Páo nói với Pằng: “  Hôm ấy, anh định kéo Pằng về làm vợ, khi uống rượu say, anh vui bạn để Pằng ở chợ, đi chơi. Vì say rượu, vui bạn anh đã kéo Mỷ về nhà. Nghe tin Pằng gặp nạn được anh Khún cứu, anh tự ái không sang thăm…Vợ chồng anh khi có con gái, ra ở riêng, vợ mang thai đứa thứ hai chửa ngoài dạ con, phải đi bệnh viện mổ, bây giờ không sinh được con nữa. Vợ anh gầy yếu, ốm đau bệnh tật, chẳng làm được việc, anh phải lo toan gánh vác…Nếu anh không vui bạn mà lấy Pằng thì cuộc sống của anh sẽ tốt hơn. Đến bây giờ Pằng đã có gia đình có con trai con gái, cuộc sống yên ấm rồi…Anh vẫn còn yêu Pằng, gia đình khó khăn, anh lại càng nhớ…”

Nghe anh Páo nói, tình cũ nghĩa xưa như cháy dần lên. Tiếng đàn môi ngày nào giéo giắt, những đêm trăng hai đứa tìm nhau, ánh mắt yêu đưa chân nhau về nhà làm lễ Goau Taox, tất cả như hiện lên ùa vào lòng, tình yêu trỗi dậy. Không trách anh Páo về những chuyện đã qua, mà Pằng còn thương anh vất vả, thông cảm, muốn được chia sẻ cùng Páo.

Pằng theo anh Páo cả buổi chợ, đến tận chiều tối mới bịn rịn chia tay ra về. Anh Páo hẹn, sẽ đưa Pằng đi chơi chợ cửa khẩu vào thứ bảy tuần tới. Trước tình cảm của người yêu cũ Pằng nhận lời.

Vnói với chồng, thứ bảy tuần sau cho Pằng đi chơi chợ cửa khẩu, lên đấy xem hàng mua cho rẻ để chuẩn bị đón tết. Anh Khún hỏi đi cùng ai, Pằng không dám nói đi với anh Páo, mà nói là đi với mấy chị em bên ngoại. Anh đồng ý, rồi dặn:

- Đi chợ cửa khẩu ở bên mình thôi, không sang bên Trung Quốc đâu, phụ nữ sang bên ấy họ lừa mang bán đấy.

Pằng nghĩ: mình chỉ đi chợ cửa khẩu Xín Mần thôi, không sang chợ Đô Long Trung Quốc. Đi cùng anh Páo lên chợ cửa khẩu Xín Mần rồi về.

- Em đi chợ bên mình cùng nhiều người mà, không sang chợ Trung Quốc đâu.

Thấy Pằng nói thế anh Khún yên tâm, đồng ý cho vợ đi.

Tối thứ sáu, nằm bên chồng, trong lòng rạo rực, không ngủ được, Pằng trở dậy sắp xếp thứ này, thứ nọ, thay bộ váy áo Nùng, mặc bộ váy áo Mông. Anh Khún nghĩ Pằng đi với chị em bên ngoại, nên mặc như thế cũng phải.

Hai giờ sáng Pằng đã đeo quẩy tấu, cầm đèn pin xuống núi. Trời cuối năm tối đem như mực, không một cánh sao, giá rét như kim châm vào đầu ngón tay, ngón chân lạnh buốt, tê dại. Con đường đất đỏ ướt đẫm sương trơn tuột, thoăn thoắt bước chân nhẹ nhàng như chạy, Pằng đến với người yêu. Mới ba giờ sáng, anh Páo đã đi xe máy đến đón ở đường ô tô dưới chân núi, đưa Pằng đi chợ.

Chợ cửa khẩu, ngày giáp Tết nhộn nhịp đông vui, hàng Việt Nam, hàng Trung Quốc bày la liệt kín cả mấy khu nhà chợ. Xe tải xếp thành hàng dài, xe bốc hàng xuống, xe xếp hàng lên, ồn ào náo nhiệt, tất cả như vội vã chạy đua với thời gian. Anh Páo dẫn Pằng vào chợ Xín Mần đi vòng qua các quầy hàng, rồi bảo sang chợ Đô Long ăn sáng: “Bên ấy phở Trung Quốc ngon lắm!”. Đi bên anh Páo, Pằng chẳng còn nghĩ được gì, quên lời chồng dặn, cứ vui chân nhẹ bước đi theo. Sang chợ Đô Long, hai người vào quán ăn phở uống rượu. Đang vui vẻ anh Páo nói với Pằng:

- Cùng anh vào Chín Sang chơi, trong ấy đẹp lắm, rất nhiều hàng đẹp lại rẻ, anh đã sang nhiều lần rồi.

Đi cùng người yêu Pằng không thấy sợ. Trong lòng phấn chấn, đôi mắt lúng liếng vì rượu, vì tình sáng lên hứng khởi, Pằng nghe lời để anh Páo được vui.

Hai người lên xe chở khách, lao vun vút vào nội địa Trung Quốc. Đi được một lúc, Pằng đã ngủ say.

Chiều xe đến bến trả khách, có người gọi, Pằng bừng tỉnh, không thấy anh Páo đâu, xung quanh toàn người xa lạ. Người đàn ông Trung Quốc ngồi bên, từ khi lên xe nói tiếng Mông với Pằng:

- Thằng Páo bán mày cho tao lấy tiền, về Việt Nam rồi. Mày theo tao về làm vợ.

Trời đất tối sầm, Pằng lảo đảo đứng không vững, giữa đất khách quê người, không  một bóng người quen, không biết đi đâu, về đâu. Cổ nghẹn lại đắng ngắt, nước mắt giàn giụa. Pằng nói dối chồng để được đi chơi cùng người yêu, bị người yêu lừa bán lấy tiền, đau khổ, buồn tủi. Những bước chân vô định theo người đàn ông xa lạ, chẳng còn nghĩ được gì, bao phủ lên Pằng là một màn đêm đen dày đặc.

Tối thứ bảy ấy không thấy vợ về, anh Khún nghĩ: Pằng theo chị em về nhà ngoại. Hết ngày Chủ nhật, vẫn không thấy vợ về, sao lạ thế, Pằng chưa đi như thế bao giờ. Sáng thứ hai được nghỉ bù ngày chủ nhật trực trạm, anh Khún sang nhà ngoại đón vợ. Lúc ấy bố mẹ vợ mới biết, Pằng đi chợ cửa khẩu đã hai ngày chưa về. Ở bản chỉ có mình anh Páo lên chợ cửa khẩu mua phân đạm. Anh Khún nghe người ta nói: “Thấy chị Pằng ngồi sau người đàn ông đi xe máy. Anh Khún tìm đến nhà anh Páo hỏi:

-  Anh đi chợ cửa khẩu, có thấy Pằng không?

-  Tôi không thấy Pằng, tôi đi chợ mua phân đạm về từ chiều thứ bảy rồi.

Páo nói xong vội đi làm gì đó, không nói chuyện với anh Khún.

Anh Khún lên cửa khẩu hỏi thăm xem có ai biết Pằng ở đâu không? Không ai biết! Anh đến Đồn biên Phòng hỏi, Pằng có xin giấy sang Trung Quốc chơi không? Không! không ai biết.

Không khí buồn thảm trùm lên gia đình bé nhỏ, cảnh con mất mẹ, chồng mất vợ, cha mẹ mất con. Thằng con lớn nhớ mẹ, mắt nó ngơ ngác, ngồi đầu sàn nhìn về con đường mẹ nó vẫn đi về ngóng đợi, chẳng chịu ăn uống gì, cả ngày lần lì không nói. Con bé, suốt ngày quấy khóc tìm mẹ bất kể đêm ngày. Ai bế, nó cũng ngả người hướng ra đường đòi đi tìm mẹ về cho nó. Mẹ anh, tấm lưng còng, cõng cháu trên lưng nước mắt vòng quanh, hai bà cháu khóc. Mọi việc dồn lên đôi vai anh, cha mẹ già, con còn nhỏ dại nheo nhóc, cảnh nhà buồn thảm.

Mẹ anh thương con dâu, thương cháu chẳng thể cầm lòng. Bà xuống chợ tìm những người ở Trung Quốc sang buôn bán ở chợ Cốc Pài hỏi dò xem có ai biết con dâu bà ở đâu không? Họ nói có mấy phụ nữ Việt Nam sang bên ấy lấy chồng, bà theo họ sang Trung Quốc tìm con dâu. đến thôn người Choang, cũng có vài người Việt Nam lấy chồng, nhưng không phải Pằng, bà nuốt nước mắt quay về.

Anh Khún xin nghỉ phép, đi chợ Chín Sang hỏi dò, họ chỉ đường cho anh đến thôn Lao Chải, thôn người Miêu. Vượt qua bao khó khăn cách trở, đường xá xa xôi, vợ chồng gặp nhau, Pằng vui mừng theo chồng về.

Pằng về nhà trong niềm vui của mọi người trong gia đình. Mẹ chồng mừng quá cứ nắm tay, như giữ lấy Pằng không để tuột khỏi tay bà. Hơn ba năm, từ ngày ra đi, đến lúc về con trai lớn đã học lớp năm. Nhìn thấy mẹ nó chạy đến ôm chầm lấy, nó bảo: “Mẹ không đi, ở nhà với con ò”. Cô con gái nhỏ đã vào lớp mẫu giáo năm tuổi, nó nhìn mẹ chằm chằm. Pằng xòe tay ra bế, nó khóc, trốn vào sau bà nội. Pằng tủi thân vừa khóc vừa dỗ dành, ôm các con vào lòng. Dân bản đến hỏi thăm động viên, ai cũng  cảm thông với Pằng.

Pằng ở nhà được hai lăm ngày, nhà đang vui, thì anh Páo đón đường gặp riêng:

- Pằng à, phải quay lại nhà chồng bên Trung Quốc thôi. Ông Lềnh đòi anh trả vợ cho nó, Pằng không về nó giết anh đấy.

Hơn ba năm Pằng sống ở nhà ông Lềnh, được chứng kiến họ làm những điều độc ác, họ không nói chơi, dọa người đâu, mà đã nói là làm thật đấy. Anh Páo lấy tiền của ông Lềnh, dùng hết rồi. Anh Páo nhà nghèo vợ ốm đau bệnh tật như thế không có tiền trả, ông Lềnh đòi vợ chứ không đòi tiền. Không đành lòng để anh Páo chết không cứu. Thương anh Páo, Pằng trốn chồng con, bố mẹ, tự nguyện ra đi, vì sợ họ giết Páo. Lại một lần nữa Páo đưa Pằng sang Trung Quốc.

Anh Khún nghĩ: Thương vợ, bỏ qua mọi chuyện, để cuộc sống gia đình yên ổn, mình cần có Pằng, các con cần có mẹ, không để cho người khác lấy đi người vợ thương yêu của mình. Pằng không biết tiếng phổ thông, không biết chữ, quanh năm suốt tháng chỉ biết làm lụng vất vả, hiểu biết xã hội nông cạn, nhẹ dạ cả tin người khác. Thông cảm với tình yêu đầu của Pằng, nếu không bị đuối nước, thì Pằng đã lấy anh Páo rồi. Mình là người mang lại sự sống cho Pằng, bố mẹ vợ đã trao gửi Pằng cho mình, như định mệnh, là duyên trời cho phải gìn giữ. Mình yêu thương Pằng, các con cần có mẹ phải cố gắng cứu Pằng về.

Anh lại sang Lao Chải đến nhà ông Lềnh nhiều lần, có lần sang ở lại mấy ngày nhưng vẫn không gặp được Pằng. Hình như biết anh sang, họ bắt Pằng đi trốn, hay chính Pằng biết anh sang đón về, đã cố tình tránh gặp mặt. Biết không thể đón Pằng về như lần trước, anh Khún trở về làm đơn gửi chính quyền và Đồn biên phòng nhờ can thiệp, giúp đỡ.

Bảy tháng sau ngày anh gửi đơn, thì nhận được giấy báo của Đồn biên Phòng, anh Khún vui mừng lên cửa khẩu đón vợ.

Pằng về nhà với cái bụng chềnh ềnh, mang thai đến tháng thứ tám. Cả gia đình anh vui mừng đón, không ai trách cứ, chăm sóc Pằng sinh nở, mẹ tròn con vuông. Bé Min càng lớn càng đẹp trai bụ bẫm khỏe mạnh, khổ nỗi có người sang chơi, cứ nhìn chằm chằm vào mặt nó, như cố tìm ra điều gì đấy, gọi nó là thằng Trung Quốc. Với con mắt thiếu thiện cảm của họ, bà ôm cháu vào lòng, như cố che những gì người ta lục tìm, soi mói về đứa cháu bé bỏng tội nghiệp của bà.

Pằng thương con, trong lòng ngổn ngang, mỗi khi anh Khún bế cưng nựng cho nó ăn, thương yêu nó, thì Pằng lại cảm thấy thương anh, mà không thể nói thành lời.

Bé Min lẫn chẫm tập đi, bi bô gọi bà, gọi bố mẹ, thì vợ chồng anh Vư ở  Đông Chứ lấy nhau được năm, sáu năm không có con, đến gặp riêng chị Pằng xin thằng bé về nuôi làm con. Sợ người nhà biết không cho, chờ anh Khún đi vắng, chị Pằng hẹn với vợ chồng anh Vư đợi ở cuối bản, rồi địu con đi làm nương, mang ra cho. Chị Pằng đi làm cỏ ngô đến tối về, không thấy con, anh Khún hỏi:

- Con trai đâu?

- Cho họ lấy làm con rồi.

Chị trả lời không dám nhìn anh.

Sáng hôm sau anh Khún tìm đến nhà anh Vư xin lại con. Vợ chồng anh Vư không trả còn nói:

- Nó không phải con của anh, nó là con riêng chị Pằng, chị ấy đã cho tôi rồi.

Thằng bé nhìn thấy anh Khún khóc ré lên gọi: “Bố, bố” xà xuống theo, anh chạy lại, định bế nó. Vợ anh Vư vội vàng mang bé Min chạy trốn. Đuối lý anh đành quay về.

Không thắng lý, cổ nghẹn đắng, thương con muốn khóc, thằng bé vợ mình đẻ ra,  mình chăm sóc hai mẹ con từ lúc nó chưa sinh, đến giờ con đã biết đi, biết nói, thế mà họ lại bảo không phải con của mình. Đúng là không phải là con ruột của mình, nhưng mình chăm sóc thương yêu, nó là con mình chứ. Vợ chồng anh Vư mới đón nó về được  một ngày lại có quyền hơn mình. Bên tai cứ văng vẳng như có tiếng khóc đòi bố của nó, nức nở ai oán như con Pả lúc mẹ nó bị bán sang Trung Quốc, xót xa lắm, không cầm lòng được.

Anh về nói với Pằng:

- Anh sang con theo, anh không được bế, nó khóc lắm. Con còn bé, nó cần có mẹ, có bố, sang đấy con khóc nhiều, thương lắm, vợ chồng mình sang đón con về.

Pằng ôm mặt khóc, không nói gì, đau lòng lắm.

Anh Khún cùng chị Pằng lên Đông Chứ đón con. Vợ chồng anh Vư không trả. Pằng năn nỉ mãi vợ anh Vư mới giao lại con, với điều kiện là vẫn cho bé Min làm con  họ, thỉnh thoảng vợ chồng anh ấy sang thăm con, và được đón con về Đông Chứ chơi.

Tòa án xét xử Hầu Seo Páo đi tù về tội buôn bán phụ nữ qua biên giới. Đền bù thiệt hại cho gia đình chị Pằng.

Khi nghe Tòa thẩm vấn luận tội, bằng tiếng Mông chị Pằng mới hiểu: Páo không yêu Pằng. Páo chỉ lợi dụng tình yêu, dụ dỗ, lừa Pằng đưa sang Trung Quốc bán lấy tiền, làm khổ Pằng và gia đình.

Tình yêu thuở đầu đời thơ mộng, của người con gái Mông nơi bản xa, vốn tính thật thà đã tin lời người yêu cũ, Pằng đã quên bản thân, bỏ chồng con, gia đình, bỏ cuộc sống đích thực của chính mình, theo Páo. Gia đình đang yên ấm hạnh phúc, bỗng chốc rơi vào cảnh gieo neo. Các con nhỏ dại bơ vơ côi cút, bố mẹ già phải nuôi cháu nhỏ bảy năm trời. Mẹ chồng và chồng phải vất vả lặn lội đường xa, đi tìm nhiều lần. Bản thân Pằng chịu đắng cay tủi nhục, vừa phải làm việc vất vả, lại vừa phải làm vợ cho hai bố con ông Lềnh.

Pằng ân hận vì yêu mù quáng, không biết Páo hại mình, không nhìn nhận được cái tốt, cái chưa tốt. Tủi thân, hổ thẹn với mọi người và chính bản thân, cô gục xuống khóc nức nở.

Chị Pằng về đoàn tụ với gia đình, được chồng cảm thông, yêu thương che trở. Bố mẹ chồng thương con dâu phải chịu số phận vất vả long đong. Dân bản chẳng ai chê cười, họ thương cảm đùm bọc động viên cô yên tâm vui sống với gia đình, làng bản.

Thời gian sẽ trôi đi, câu chuyện hôm nay không ai nhắc lại nữa, nhưng vết thương lòng của mỗi người trong gia đình, vẫn còn vẹn nguyên đó nỗi đau.